HÃY LÊN TIẾNG VỀ BẤT CẬP PHÁP LUẬT – Trước khi mình là nạn nhân!
Nội dung chính
Contents
- 1 Ghi thấp giá trị chuyển nhượng đất trên Hợp đồng công chứng là phạm tội trốn thuế?
- 1.1 Luật quản lý thuế không quy định rõ nguyên tắc, phương pháp xác định thuế chuyển nhượng bất động sản.
- 1.2 Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng không quy định cụ thể về việc áp thuế trong lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản.
- 1.3 Ngoài nguyên tắc áp bảng giá của UBND tỉnh, hiện nay không còn nguyên tắc nào khác cho phép Cơ quan thuế hoặc Cơ quan điều tra tính thuế thu nhập cá nhân theo giá mua bán thực tế trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản.
- 1.4 Chiếu theo quy định của pháp luật hình sự và thực tiễn nền tố tụng Việt Nam, hành vi này cũng không phạm tội.
Ghi thấp giá trị chuyển nhượng đất trên Hợp đồng công chứng có phạm tội trốn thuế?
Theo chúng tôi, với quy định của pháp luật hiện nay hành vi trên không thể, chưa đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc truy cứu TNHS là không phù hợp với khoa học pháp lý và thực tiễn. Trên đây là ½ căn cứ cho quan điểm trên:
Luật quản lý thuế không quy định rõ nguyên tắc, phương pháp xác định thuế chuyển nhượng bất động sản.
Khoản 5, Điều 108 Luật quản lý thuế quy định một trong những hành vi vi phạm như sau: “Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn”. Chúng tôi nhận thấy quy định này chỉ là một quy định chung, chỉ nhằm xác định phương pháp trốn thuế – sử dụng chứng từ, tài liệu… mà chưa quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá chuyển nhượng và số thuế phải nộp.
Vì vậy, nếu muốn xác định hành vi của bên bán, bên mua có dấu hiệu phạm tội trốn thuế thu nhập cá nhân hay không chúng ta phải dựa trên quy định của pháp luật chuyên ngành. Nếu căn cứ vào Luật quản lý thuế thì việc ghi giá thấp hơn giá mua bán thực tế không thuộc bất kỳ một trường hợp nào nằm trong Luật Quản lý thuế. Vậy luật chuyên ngành quy định như thế nào?
Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng không quy định cụ thể về việc áp thuế trong lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản.
Luật thuế thu nhập cá nhân giao cho Chính phủ quy định về vấn đề xác định giá chuyển nhượng để tính thuế. Sở dĩ Luật thuế thu nhập cá nhân không quy định chi tiết vì “quyền sử dụng đất” là một loại hàng hóa đặc biệt và muốn xác định giá chuyển nhượng để tính thuế cũng phải đối chiếu, áp dụng phù hợp với chế độ thu tiền sử dụng đất, chế độ bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất và các chế độ khác có liên quan tới đất đai. Nói cách khác, các nhà làm luật nhận thấy đất đai không được công nhận quyền sở hữu nên quyền sử dụng đất chỉ được xem là một loại tài sản, hàng hóa đặc biệt, việc định giá là không thể áp dụng chung và nó ảnh hưởng đến quản lý nhà nước. Vì vậy, thực tế pháp luật đã phải có quy định riêng.
Tại khoản 2, Điều 14 luật này quy định: “Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá chuyển nhượng bất động sản” để tính thuế. Đây là một quy định rất đặc biệt vì nó can thiệp, điều chỉnh giá tính thuế trong giao dịch dân sự – điều chỉnh giá tính thuế khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất phù hợp với chế độ bồi thường khi nhà nước thu hồi đất cũng như các loại thuế, phí khác liên quan tới đất đai.
Khoản 11, Điều 2 Nghị định 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định nguyên tắc xác định giá chuyển nhượng bất động sản như sau: “2. Giá chuyển nhượng bất động sản là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
a) Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng đất là giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 12/2015/NĐ-CP, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 92/2015/TT-BTC hướng dẫn cụ thể như sau: “Điều 12. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
1, Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là giá chuyển nhượng từng lần và thuế suất.
Giá chuyển nhượng … b) Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng trên đất, kể cả nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng đất là giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai.
2, Thuế suất Thuế suất đối với chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng hoặc giá cho thuê lại.
…
4, Cách tính thuế… a) Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản được xác định như sau: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng x Thuế suất 2%”.
Như vậy căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có hiệu lực, nhận thấy Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quy định, hướng dẫn rất thống nhất vấn đề nguyên tắc áp dụng “giá tính thuế” chuyển nhượng khi Hợp đồng chuyển nhượng ghi giá thấp hơn bảng giá hoặc không ghi giá.
Đây là nguyên tắc áp giá tính thuế chuyển nhượng theo bảng giá đất của Ủy ban nhân dân tỉnh khi ghi giá thấp hơn bảng giá hoặc không ghi giá. Mặt khác, khái niệm về “Hợp đồng chuyển nhượng” ở các văn bản này phải được hiểu là hợp đồng đã được công chứng, chứng thực trong hồ sơ kê khai thuế.
Ngoài nguyên tắc áp bảng giá của UBND tỉnh, hiện nay không còn nguyên tắc nào khác cho phép Cơ quan thuế hoặc Cơ quan điều tra tính thuế thu nhập cá nhân theo giá mua bán thực tế trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản.
Thực tế cho thấy từ trước đến nay cơ quan thuế tại các tỉnh, thành thường xuyên áp dụng theo bảng giá đất tại địa phương để tính thuế; cơ quan thuế chưa bao giờ áp thuế theo mức giá mua bán thực tế, không có quyền áp thuế theo giá thực tế vì không có quy định cho phép áp dụng, không có căn cứ áp dụng. Trong giao dịch hiện nay người dân hiểu và thực hiện như vậy là hoàn toàn đúng, không vi phạm pháp luật.
Vì vậy, nguyên tắc này được xem là quy phạm pháp luật cụ thể có hiệu lực cao nhất để xác định vi phạm về thuế hay không.
Chiếu theo quy định của pháp luật hình sự và thực tiễn nền tố tụng Việt Nam, hành vi này cũng không phạm tội.
Căn cứ theo quy định tại Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội “Trốn thuế” khi cá nhân, tổ chức trốn thuế từ 100 triệu đồng hoặc dưới nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính… Tuy nhiên trong lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản thì Cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào những quy định cá biệt, không thể xác định tội phạm theo cách hiểu chung chung của mình. Đối với lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản thì chỉ có quyền áp theo bảng giá vì đây là quy phạm có hiệu lực cao nhất do Chính phủ quy định như đã nêu.
Thực tiễn cho thấy 100 giao dịch chuyển nhượng thì có hơn 90% (nếu không muốn nói là 99%) giao dịch ghi giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn giá thực tế giao dịch. Vậy Cơ quan điều tra trên đất nước Việt Nam này đã xử lý bao nhiêu giao dịch? Nếu nói về căn cứ thì những tranh chấp về Hợp đồng chuyển nhượng được giải quyết ở tòa thì 10/10 tranh chấp xác định giá bán trên hợp đồng “tay” cao hơn nhiều so với giá trên hợp đồng công chứng. Vậy bao nhiêu hồ sơ Cơ quan điều tra đã xử lý? Chưa/Không xử lý vì không đủ cơ sở mà thôi.
Đa số người dân đều cho rằng, nếu áp thuế theo giá mua bán thực tế thì khi bồi thường thu hồi đất, nhà nước hãy áp giá này để bồi thường cho dân đi hoặc cập nhật bảng giá đất cho phù hợp với thị trường đi, khi đó hẵng thu theo giá thực tế. Mà lúc đó cũng không ai dại gì ghi giá khác vì đó cũng là bất lợi cho họ.
Tóm lại, việc Cơ quan điều tra các địa phương bắt đầu lao vào cuộc truy cứu hành vi trốn thuế căn cứ vào Hợp đồng “tay” – giá thực tế thì không phù hợp với pháp luật hiện hành, thực tiễn quản lý đất đai nói chung và thực tiễn giao dịch của người dân trên đất nước này nói riêng. Nếu xử lý, hãy có lộ trình để hoàn thiện trước hết là pháp luật. Nhà nước dựa trên pháp luật để quản lý, pháp luật đi thụt lùi với thực tiễn mà vẫn cố chấp đưa người dân vào thí mạng thì độc ác tận cùng.
TRÊN ĐÂY LÀ QUAN ĐIỂM PHÁP LÝ CỦA TÁC GIẢ, CÒN THỰC TẾ THÌ HIỆN NAY MỘT SỐ NGƯỜI ĐÃ BỊ KHỞI TỐ XỬ LÝ HÀNH VI NÀY LÀ TRỐN THUẾ. VÌ VẬY , MỌI NGƯỜI HÃY THẬN TRỌNG GHI ĐÚNG GIÁ THỰC TẾ ĐỂ TỰ BẢO VỆ MÌNH TRƯỚC ĐÃ.
Luật sư Võ Văn Dũng bổ sung, tổng hợp ý kiến LS bào chữa vụ án trốn thuế Ls TVH
LUẬT GIA VINH
Điện thoại: 0986 649 686 (Ls Dũng) – 090 579 8868 (Hotline)
Email: luatgiavinh@gmail.com
Địa chỉ: Số 1796 Đường Nguyễn Ái Quốc, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Website : https://luatgiavinh.vn