Dịch Covid kéo dài dẫn đến rất nhiều người lao động bị mất việc, nghỉ việc không lương. Vậy Nhà nước có chính sách lao động, bảo hiểm và trợ cấp do Covid 19 cụ thể như thế nào đối với người lao động, lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác? Sau đây, Luật Gia Vinh tư vấn, giải đáp những thắc mắc được rất nhiều người gửi đến Văn phòng luật sư Biên Hòa trong thời gian qua.
CHÍNH SÁCH LAO ĐỘNG, BẢO HIỂM VÀ TRỢ CẤP DO COVID 19
Câu 1: Chào LS, hiện nay do Covid 19 mà nhiều người lao động (NLĐ) mất việc làm, bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Vậy LS cho hỏi là:
Người sử dụng lao động (SDLĐ) có được quyền chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong thời gian này hay không?
Luật sư tư vấn trả lời như sau:
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 thì: Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trong trường hợp do dịch bệnh nguy hiểm mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc.
Trường hợp này, Công ty phải có trách nhiệm chứng minh:
+ Do dịch bệnh (ngành nghề đó có ảnh hưởng không, mức độ ảnh hưởng…)
+ Đã tìm mọi biện pháp khắc phục (áp dụng biện pháp nào? Đã hết khả năng chưa?
+ Vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc (có phải vị trí đó không…)
Đồng thời, Căn cứ khoản 2 Điều 36 BLLĐ 2019 thì Công ty vẫn phải có trách nhiệm báo trước 3 ngày, 30 ngày hoặc 45 ngày tùy theo Hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn.
Câu hỏi 2: Thưa luật sư, vậy
Trường hợp thỏa thuận tạm hoãn/nghỉ việc không lương được quy định như thế nào ạ?
Trả lời:
Căn cứ Điều 30 và khoản 3 Điều 115 BLLĐ 2019 thì Công ty và NLĐ được thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ việc không hưởng lương.
Theo quy định tại khoản 3 điều 99 BLLĐ năm 2019, NLĐ ngừng việc do dịch bệnh nguy hiểm thì được người sử dụng lao động (NSDLĐ) trả lương ngừng việc như sau:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Câu 3: Vâng, thưa LS vậy:
Đối với những NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ thì chính sách nhận bảo hiểm thất nghiệp đối với NLĐ là như thế nào và Hồ sơ nhận bảo hiểm như thế nào?
Trả lời:
Do Covid hay không thì NLĐ vẫn được hưởng chế độ này.
- Điều kiện hưởng:
+ Đã chấm dứt hợp đồng lao động và không thuộc trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng, hợp đồng trái pháp luật; Người lao động không thuộc đối tượng hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
+ Đã đóng bảo hiểm đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng hoặc 36 tháng trước khi nghỉ việc theo quy định tại khoản 2 điều 49 Luật việc làm 2013;
+ Đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định;
+ Không tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Mức hưởng:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16
- Hồ sơ: Nộp qua bưu điện đến Trung tâm giới thiệu việc làm.
- Hồ sơ gồm:
+ Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu);
+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
+ Sổ BHXH.
Câu 4: Vậy thưa luật sư: Nhà nước có chính sách gì để hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ không lương không ?
Trả lời:
Ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Trong Nghị Quyết này có nhiều chính sách, đối tượng được nhận hỗ trợ tích cực từ nhà nước, tuy nhiên liên quan đến câu hỏi của chị thì:
- Đối với Người lao động có Hợp đồng lao động nhưng đang 4 tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương
NLĐ có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trong khoảng từ ngày 01/5/2021 -31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội thì được hỗ trợ một lần như sau:
+ Tạm hoãn/ nghỉ không lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng: 1.855.000 đồng/người/tháng;
+ Tạm hoãn/nghỉ không lương từ 01 tháng trở lên là 3.710.000 đồng/người/tháng;
- Thủ tục:
+ Bước 1: Công ty làm thủ tục báo giảm đóng bảo hiểm cho người lao động và lập danh sách người lao động nghỉ không lương gửi lên cơ quan bảo hiểm xác nhận;
+ Bước 2: Công ty gửi hồ sơ gồm Bản sao/bản chính văn bản thỏa thuận nghỉ không lương, danh sách người lao động nghỉ không lương (có xác nhận của cơ quan bảo hiểm) đến UBND cấp huyện.
- Đối với người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm 30/9/2021 hoặc đã ngừng đóng từ 01/01/2020-30/9/2021 mà trước đây chưa lãnh bảo hiểm thất nghiệp với thời gian từ dưới 12 tháng đến đủ 132 tháng trở lên, mức hỗ trợ từ 800.000 đồng/người đến 3.300.000 đồng/người tuỳ vào thời gian đóng.
- Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa từ 14 ngày trở lên trong thời gian này; đang tham gia bảo hiểm xã hội ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần thêm 1.000.000 đồng/người.
- Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người, Người lao động chăm sóc con dưới 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/con;
Và một số chế độ khác.
Câu 5: Vậy thưa luật sư: Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác thì được trợ cấp gì không?
Trả lời:
Vâng, theo Nghị Quyết 68 thì mức trợ cấp không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương. Đồng thời, tuỳ vào mỗi địa phương có một chính sách khác nhau.
Vì vậy, nếu muốn biết rõ địa phương của bạn đang thực hiện tại thời điểm nào, đối tượng nào, đợt nào, mức trợ cấp bao nhiêu thì bạn cần liên hệ chính quyền địa phương nơi bạn sinh sống để được rõ.
Ví dụ:
Ở TP HCM khi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và 6 nhóm ngành nghề được hỗ trợ trong khoảng thời gian 1 tháng (từ ngày 31.5 đến 29.6) với mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người; Tháng 8 tiếp tục Đợt 2: 1,5 triệu đồng cho lao động tự do theo danh sách đợt 1 và bổ sung thêm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ lao động nghèo.
Đợt 3 áp dụng từ 1/10-2021 đến 15/10/2021. Vì vậy người dân cần nắm để thông tin, làm đơn đến cán bộ, cơ quan tại địa phương để làm thủ tục và nhận gói hỗ trợ này.
Câu 7: Thưa luật sư, một khán giả đặt câu hỏi như sau: Chế độ trợ cấp đối với lao động tự do ở Đồng Nai thì được hỗ trợ như thế nào ạ? Ai là lao động tự do và Hồ sơ được hưởng gồm những gì?
Trả lời:
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021, NLĐ gửi đơn đề nghị đến UBND cấp xã trước ngày 31-12-2021. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người đối với NLĐ có thời gian nghỉ việc, mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên (chỉ hỗ trợ 1 lần/người).
- Những công việc được xác định là lao động tự do ở Đồng Nai được hưởng trợ cấp gồm:
+ Lao động thu gom, phân loại, xử lý rác, phế liệu;
+ Bốc vác, vận chuyển hàng hóa;
+ Lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm), lái xe công nghệ; lái xe chở khách, xe tải chở hàng, phụ xe;
+ Bán lẻ vé số lưu động, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định;
+ Lao động giúp việc gia đình, lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non; thợ may gia đình, thợ sửa chữa điện tử, điện cơ, điện lạnh, khoan giếng;
+ Lao động làm thuê trong các lĩnh vực: nông nghiệp, xây dựng (phụ hồ, thợ xây);
+ Lao động làm việc tại các cơ sở dịch vụ phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh từ ngày 1- 5-2021; lao động làm việc trong các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải tạm ngừng hoạt động theo Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND tỉnh.
- Hồ sơ nhận hỗ trợ cho lao động tự do: Khá đơn giản.
Người lao động liên hệ Tổ trưởng/Trưởng khu phố để lấy mẫu văn bản điền thông tin (Đơn đề nghị và văn bản cam kết) rồi nộp lại Tổ trưởng/Trưởng Khu phố.
- Nếu vẫn không nhận được thì có thể liên hệ cơ quan chức năng (cấp Tổ/KP/ẤP hoặc Phường để được giải quyết.
Cám ơn Luật sư đã dành thời gian để giải đáp thắc mắc về chính sách lao động, bảo hiểm và trợ cấp do đại dịch Covid 19 cho người lao động!
LUẬT GIA VINH
Điện thoại: 0986 649 686 (Ls Dũng) – 090 579 8868 (Hotline)
Email: luatgiavinh@gmail.com
Địa chỉ: Số 1796 Đường Nguyễn Ái Quốc, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Website : https://luatgiavinh.vn