24/02/2024 - 08:04

 Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động

NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động được quy định khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động. Theo đó, Luật sư lao động tư vấn về hợp đồng lao động về các Nội dung chủ yếu phải có của hợp đồng lao động như sau:

1. Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động

1.1. Thông tin của hai bên giao kết hợp đồng lao động

Người sử dụng lao động ghi rõ các thông tin về Tên, Địa chỉ của người sử dụng lao động và Họ tên, Chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động theo các hướng dẫn của Luật sư tư vấn về hợp đồng lao động:

1.1.1. Tên của người sử dụng lao động:

– Đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì lấy theo tên của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức;

– Đối với tổ hợp tác thì lấy theo tên tổ hợp tác ghi trong hợp đồng hợp tác;

– Đối với hộ gia đình, cá nhân thì lấy theo họ tên của người đại diện hộ gia đình, cá nhân ghi trong Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu được cấp;

1.1.2. Địa chỉ:

– Đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì lấy theo địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức;

– Đối với tổ hợp tác thì lấy theo địa chỉ trong hợp đồng hợp tác;

– Đối với hộ gia đình, cá nhân thì lấy theo địa chỉ nơi cư trú của hộ gia đình, cá nhân đó;

– Số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có);

NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
1.1.3. Họ tên, chức danh

Họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động: ghi theo họ tên, chức danh của người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 18 của Bộ luật Lao động.

1.2. Thông tin của người lao động

Thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động và một số thông tin khác, gồm:

– Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có), số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền cấp của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 18 của Bộ luật Lao động;

– Số giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với người lao động là người nước ngoài;

– Họ tên, địa chỉ nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi.

1.3. Công việc và địa điểm làm việc

Công việc và địa điểm làm việc được quy định như sau

– Công việc: Luật sư tư vấn hợp đồng lao động ghi rõ các công việc mà người lao động phải thực hiện;

– Địa điểm làm việc của người lao động: địa điểm, phạm vi người lao động làm công việc theo thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc có tính chất thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó.

1.4. Thời hạn của hợp đồng lao động

Người sử dụng lao động cần lưu ý thời gian của từng loại hợp đồng lao động, cụ thể:

– Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn: Ghi rõ số tháng hoặc số ngày, thời điểm bắt đầuthời điểm kết thúc thực hiện hợp đồng lao động;

– Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Ghi rõ thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng lao động.

1.5. Quy chế lương thưởng, phụ cấp

Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định như sau:

1.5.1. Lương

– Mức lương theo công việc hoặc chức danh: Ghi mức lương tính theo tháng, thời gian của công việc hoặc chức danh tính theo tháng lương. Theo đó, Bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động;

– Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán: Ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;

1.5.2. Phụ cấp

Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên như sau:

– Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;

– Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

1.5.3. Các khoản bổ sung khác

Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:

– Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;

– Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Đối với các chế độ và phúc lợi khác

– Thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến;

– Tiền ăn giữa ca;

– Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;

– Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

1.5.4. Hình thức, Kỳ hạn trả lương

– Hình thức trả lương do hai bên xác định theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động;

– Kỳ hạn trả lương do hai bên xác định theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động.

1.6. Chế độ nâng bậc, nâng lương

Chế độ nâng bậc, nâng lương: theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy định của người sử dụng lao động.

1.7. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: theo thỏa thuận của hai bên hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy lao động, quy định của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy định của pháp luật.

1.8. Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động

Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động: những loại phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của người sử dụng lao động và quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

1.9. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp: theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

1.10. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề: quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động trong việc bảo đảm thời gian, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Trên đây là Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động, Người sử dụng lao động cần nắm rõ Quyền và nghĩa vụ của mình để có thể thực hiện tốt quá trình giao kết hợp đồng lao động. Bên cạnh các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động, khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với người lao động về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động hoặc bằng văn bản khác theo quy định của pháp luật.

2. Bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ

2.1. Nội dung chủ yếu của Thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ

Thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ có thể gồm những nội dung chủ yếu sau:

a) Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

b) Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

c) Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;d) Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

đ) Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

e) Xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.

2.2. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường Thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ

Khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:

a) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật Lao động;

b) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.

LƯU Ý: Đối với bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Nội dung của hợp đồng lao động lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp

Luật sư lao động tư vấn về nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động trong các lĩnh vực: Nông nghiệ, Lâm nghiệp, Ngư nghiệp, Diêm nghiệp:

1.Hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động và Điều 3 Thông tư này.

Đối với những công việc có tính chất giản đơn, thực hiện trong thời gian ngắn hạn hoặc theo mùa vụ thì hai bên có thể giảm nội dung thỏa thuận về nâng bậc quy định tại điểm e khoản 1 Điều 21 và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề quy định tại điểm k khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động.

2. Đối với những công việc và địa điểm làm việc chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết thì hai bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng lao động những nội dung về cơ chế giải quyết việc thực hiện hợp đồng lao động phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của pháp luật.

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý hoặc có bất cứ thắc mắc nào liên quan cần luật sư lao động tư vấn về hợp đồng lao động, giao kết hợp đồng lao động hoặc tư vấn về tai nạn lao động xin vui lòng liên hệ trực tiếp để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất!

LUẬT GIA VINH

Điện thoại: 0986 649 686 (Ls Dũng) – 090 579 8868 (Hotline)

Email: luatgiavinh@gmail.com

Địa chỉ: Số 1796 Đường Nguyễn Ái Quốc, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Website : https://luatgiavinh.vn

 

Đánh giá post này

Liên hệ với chúng tôi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đặt câu hỏi Đặt lịch tư vấn Báo giá